CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ ĐIẾC BẨM SINH CHO TRẺ EM

11/10/2024, 10:20

Điếc hoặc nghe kém rất nặng sẽ dẫn tới hậu quả trẻ bị câm. Câm điếc làm giảm khả năng giao tiếp, học tập, hòa nhập cộng đồng. Do đó, nhu cầu về chẩn đoán và điều trị phục hồi chức năng nghe sớm cho trẻ là thực sự cần thiết.

Điếc là tình trạng giảm sức nghe trên 90 dB. Điếc bẩm sinh là tình trạng bệnh lý mất hoàn toàn khả năng nghe ngay từ giai đoạn sơ sinh. Điếc và nghe kém được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào nhóm bệnh tàn tật từ năm 2004. Điếc hoặc nghe kém rất nặng (trên 75 dB) sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề là câm – một dạng tàn tật suốt đời, vì trẻ không có ngôn ngữ nên không thể giao tiếp. Trẻ điếc câm bị thiệt thòi về mọi mặt trong cuộc sống, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Theo các nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ điếc bẩm sinh ở trẻ em từ 0,3% – 0,5%. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em được sinh ra khoảng từ 1 – 1,2 triệu/năm, nếu tính theo tỷ lệ điếc bẩm sinh của thế giới thì sẽ có khoảng 3200 – 5000 trẻ điếc bẩm sinh/năm. Do đó, nhu cầu về chẩn đoán và điều trị phục hồi chức năng nghe sớm cho trẻ là rất lớn và thực sự cần thiết.

CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán xác định

– Giai đoạn sớm < 6 tháng tuổi: khó phát hiện, cần lưu ý khi trẻ không giật mình với những tiếng động lớn trong lúc ngủ hoặc thức.

– Giai đoạn > 6 tháng tuổi:

+ Không quay đầu tìm tiếng động. Cố tình gây tiếng động lớn trẻ không giật mình.

+ Đo âm ốc tai (Otoacoustic Emission): Không đáp ứng

+ Đo ABR: không xuất hiện các sóng ở 90 dB hoặc > 90dB.

+ Đo ASSR: ngưỡng nghe > 90 dB.

Chẩn đoán nguyên nhân

– Do yếu tố di truyền: di truyền từ Bố, Mẹ hoặc đột biến gene.

– Do yếu tố không di truyền: nhiễm virus trong thời kỳ mang thai, sinh con không đủ tháng, nhiễm độc thai nghén, ngộ độc thuốc…

Hình ảnh minh họa (nguồn: Intenet)

CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ

– Với trẻ nghe kém bẩm sinh có ngưỡng nghe < 80 dB, có thể đeo máy trợ thính.

– Với trẻ điếc bẩm sinh (ngưỡng nghe > 90 dB): cấy ốc tai điện tử là biện pháp duy nhất.

– Sau khi cấy ốc tai điện tử : trẻ phải theo học phục hồi ngôn ngữ trong thời gian 2-3 năm.

– Biến chứng: thường gặp nhất trong cấy ốc tai điện tử là liệt VII ngoại biên (mắt nhắm không kín, méo miệng), nhiễm trùng vết mổ. Tính đến nay, Bệnh viện ĐHY Hà Nội đã thực hiện cấy ốc tai điện tử cho gần 200 ca, chưa có tai biến nào xảy ra.

Khoa Tai Mũi Họng – BVĐHYHN đã thực hiện thường quy

và hoàn toàn làm chủ kỹ thuật cấy ốc tai điện tử

Hiện nay, cấy ốc tai điện tử là biện pháp duy nhất và tối ưu đối với trẻ điếc bẩm sinh, hoặc nghe kém nặng bẩm sinh. Trẻ được cấy ốc tai điện tử có thể phát triển ngôn ngữ như những trẻ bình thường, có cơ hội hòa nhập xã hội, học tập và làm việc như những người bình thường.

Ngoài ra cấy ốc tai điện tử còn được thực hiện đối với những người giảm hoặc mất sức nghe sau ngôn ngữ.

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tự hào là bệnh viện đầu tiên ở miền Bắc và là bệnh viện thứ hai trong cả nước hoàn toàn làm chủ kỹ thuật cấy ốc tai điện tử.

LỜI KHUYÊN CHO CỘNG ĐỒNG

– Khám sàng lọc chức năng nghe đối với trẻ mới sinh là cần thiết.

– Khi trẻ không đáp ứng với tiếng động thì nên cho trẻ đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng sớm.

– Khi xác định là trẻ điếc bẩm sinh, hoặc nghe kém bẩm sinh nặng, nên cho trẻ đeo máy trợ thính sớm.

– Với trẻ điếc bẩm sinh nên cấy ốc tai điện tử cho trẻ càng sớm càng tốt (tuổi cấy từ 12 tháng đến 72 tháng).

– Cần tiêm phòng Rubella trước khi có ý định sinh con.

Nguồn: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội