CÔNG TÁC XÃ HỘI: “THÀNH TỐ” QUAN TRỌNG TRONG CÁC BỆNH VIỆN HIỆN NAY

03/10/2024, 14:32

Sự tham gia của công tác xã hội trong quá trình tiếp nhận, điều trị ca bệnh mang lại nhiều giá trị, lợi ích. Không chỉ giúp riêng cho người bệnh mà nhân viên công tác xã hội còn tạo mối dây gắn kết bệnh nhân, bệnh viện, hỗ trợ công tác chuyên môn của y bác sĩ, điều dưỡng, thúc đẩy hiệu quả và giảm tải áp lực điều trị giữa các bên, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Đó là ghi nhận, đánh giá của các chuyên gia trong Hội nghị Khoa học BV Bạch Mai lần thứ 32 khi bàn thảo chuyên đề về hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện sáng ngày 27/9/2024.

Tầm quan trọng, không thể thiếu của nhân viên CTXH trong bệnh viện

Theo các chuyên gia, nhắc đến bệnh viện, không chỉ cộng đồng, xã hội mà ngay cả những người hoạt động trong lĩnh vực y tế dường như chỉ tập trung vào công tác khám chữa bệnh, điều trị chuyên sâu mà quên mất một phần rất quan trọng chăm sóc tâm lý, hỗ trợ tinh thần, kết nối hoà nhập… cho người bệnh. Nói cách khác, mới chỉ dừng lại ở “phần xác” mà còn thiếu, bỏ ngỏ “phần hồn”.

PGS. TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai chỉ ra: Bên cạnh giải pháp điều trị của các bác sĩ, điều dưỡng, người bệnh còn rất nhiều các vấn đề về tâm lý, thể chất, xã hội… trong toàn bộ quá trình diễn biến của bệnh. Thậm chí không chỉ bệnh nhân mà người nhà bệnh nhân cũng cần được hỗ trợ, chăm sóc giảm nhẹ các vấn đề. Công tác xã hội tham gia trong các hoạt động tiếp nhận, hội chẩn, chăm sóc, là một phần của màng lưới làm việc đa chức năng hỗ trợ cho người bệnh là điều rất cần thiết. “Trong quá trình tiếp xúc với người bệnh, công tác xã hội giúp bác sĩ có cái nhìn tổng quan hơn về người mình khám chữa, hỗ trợ bệnh nhân, thúc đẩy hiệu quả của điều trị”.

PGS. TS Cường cũng thừa nhận “thành tố” công tác xã hội trong bệnh viện đã giải quyết được nhiều vấn đề trong hỗ trợ bệnh nhân mà bản thân các y bác sĩ, điều dưỡng không làm được.

Đồng quan điểm đó, PGS. TS Nathan Christopher Gehlert, Điều phối viên chính khoa Tâm lý học, Đại học Fukbright Việt Nam đánh giá: Vai trò của công tác xã hội trong hoạt động khám chữa, điều trị cho bệnh nhân là không thể thiếu. Nhân viên công tác xã hội là một trong những người đầu tiên tiếp xúc với khách hàng, người bệnh. Sự can thiệp của nhân viên công tác xã hội thực tế đã làm cho kết quả điều trị của bệnh nhân được cải thiện rõ ràng, trải nghiệm người bệnh và chất lượng dịch vụ y tế được nâng cao.

Ở góc độ nhà Tâm lý học, từng hoạt động trong lĩnh vực công tác xã hội tại Mỹ, hiện là Quản lý Chương trình, Phòng Dự án, Trung tâm Sáng kiến về Sức khoẻ Tâm thần, Trường Y tế công cộng và Chính sách Y tế, Đại học Tổng hợp New York, ThS Vũ Anh Quân chỉ ra: Nhân viên công tác xã hội có một vị thế, vai trò quan trọng trong tham vấn hỗ trợ tâm lý khách hàng, người bệnh, yếu tố cốt lõi suốt quá trình thăm khám, điều trị. “Nhân viên công tác xã hội có thể thực hiện hiệu quả và hỗ trợ các nhu cầu thiết thực về tâm lý xã hội cho khách hàng, bệnh nhân từ đó giúp tháo gỡ các rào cản và áp lực khiến tình trạng bệnh của khách hàng tiếp diễn, tiến tới hỗ trợ khách hàng hoà nhập lại với cộng đồng”. ThS Quân nhấn mạnh.

Thực tế, tại BV Bạch Mai, phòng Công tác xã hội tuy tuổi đời còn khá trẻ nhưng đã bước đầu phát huy được tầm quan trọng và hiệu quả của các hoạt động công tác xã hội trong hỗ trợ người bệnh, chăm sóc khách hàng.

Theo báo cáo của ThS. Vũ Ngọc Anh Thư, Phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Bạch Mai, phòng đã từng phối hợp với Trung tâm công tác xã hội TP. Hà Nội và đội Công an hình sự thành phố để giải cứu trẻ nạn nhân của mua bán người, trẻ sinh nhờ từ đường dây đẻ thuê đưa về Trung tâm Bảo trợ; thường xuyên có các hoạt động hỗ trợ các trường hợp bệnh nhân hiểm nghèo tại các đơn vị trong bệnh viện; tổ chức các hoạt động để bệnh nhân phần nào quên đi nỗi đau, mệt mỏi trong điều trị; duy trì thường xuyên ngay cả trong những giai đoạn khó khăn, cách ly Covid, đưa máy tính đến từng khoa phòng để hỗ trợ tâm lý qua hình thức online. Phòng cũng đã hỗ trợ bảo vệ phụ nữ, trẻ em, đối tượng yếu thế có cơ hội tiếp cận với dịch vụ y tế, tránh khỏi bạo lực gia đình. Đặc biệt, trong giai đoạn bão lũ vừa qua, Phòng cũng kịp thời hỗ trợ, kêu gọi quyên góp để ủng hỗ các nạn nhân được chuyển tới điều trị tại viện.

Ở góc độ chăm sóc khách hàng, báo cáo của cử nhân Nguyễn Phương Anh, tổ Chăm sóc khách hàng, Phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Bạch Mai cũng đã cho thấy rất nhiều các hoạt động thiết thực trong hỗ trợ người bệnh thăm khám, điều trị tại viện, nhất là tại Khoa khám bệnh và Khoa khám bệnh theo yêu cầu. Hoạt động của Tổ chăm sóc khách hàng, tổng đài viên – những bóng áo dài xanh đã góp phần mang đến trải nghiệm dễ chịu, thoải mái cho người bệnh, giảm tải lo âu, mệt mỏi khi thăm khám; hỗ trợ cung cấp thông tin, giảm bớt áp lực cho y bác sĩ, các khoa phòng khám chữa bệnh.

Chuyên nghiệp hoá hoạt động công tác xã hội bệnh viện vấn đề bức thiết

Cũng tại Hội nghị, các chuyên gia, đại biểu, cán bộ nhân viên hoạt động trong lĩnh vực y tế đến từ nhiều nơi trên cả nước đã bàn thảo và đưa ra các phương hướng để công tác xã hội phát triển mạnh mẽ, chuyên nghiệp, chất lượng hơn.

Trương Nguyễn Xuân Quỳnh, Đại học VinUniversity, Hội Y học Chăm sóc Giảm nhẹ Việt Nam chỉ ra: Công tác xã hội là ngành nghề cần có kiến thức khoa học, tính chuyên nghiệp. Không chỉ bao gồm từ thiện và chăm sóc khách hàng, công tác xã hội có rất nhiều các hoạt động, lĩnh vực và phải được đào tạo học tập.

Nhân viên công tác xã hội có vai trò đánh giá nhu cầu tâm lý xã hội cho người bệnh và gia đình bệnh nhân, hỗ trợ họ thích nghi với môi trường bệnh viện, cung cấp thông tin, tư vấn giải quyết các vấn đề công tác xã hội cho bệnh nhân và người nhà trong quá trình khám chữa bệnh, vận động tài trợ, tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội, cộng đồng…

“Nhân viên công tác xã hội là thành viên quan trọng trong nhóm chăm sóc người bệnh, giúp giải quyết các vấn đề về tâm lý xã hội cho người bệnh và giảm gánh nặng công việc cho bác sĩ, điều dưỡng. Nhân viên CTXH lâm sàng có thể phụ trách một phần việc của chuyên viên tâm lý, giúp tiết kiệm chi phí. Có thể chẩn đoán các vấn đề sức khoẻ tâm thần, thúc đẩy giao tiếp hiệu quả chăm sóc và giải quyết các vấn đề, dung hoà giữa người bệnh và y bác sĩ. Do đó, việc chuẩn hoá đội ngũ nhân viên công tác xã hội là yêu cầu bắt buộc. Đây cũng là một trong những điểm then chốt nâng cao chất lượng phục vụ y tế”, TS Quỳnh phân tích.

Cũng theo TS Quỳnh, việc chuẩn hoá năng lực của đội ngũ nhân lực công tác xã hội cần bắt đầu từ những bước nhỏ nhất, thay đổi có tính hệ thống, cụ thể từng cấp bậc, chuyên môn nghiệp vụ: Định kỳ đào tạo, kiểm tra đánh giá; đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực hành cùng với sự hỗ trợ của các giảng viên có kinh nghiệm. Đặc biệt, đào tạo công tác xã hội không chỉ cho nhân viên công tác xã hội mà các nhân viên y tế khác để tạo sự thấu hiểu, thuận tiện, đồng nhất trong phối kết hợp hỗ trợ người bệnh.

Nói thêm về vấn đề này, PGS. TS Phạm Tiến Nam, Trưởng bộ môn Công tác xã hội, Đại học Y tế công cộng cho rằng: Nhân viên công tác xã hội cũng là một trong những người tham gia vào những bước đầu tiên khi tiếp cận người bệnh, để cùng phối hợp với đa/liên ngành xây dựng kế hoạch thực hiện can thiệp, hỗ trợ, điều trị. Do đó, nhân sự công tác xã hội đòi hỏi phải có kỹ năng để gợi mở, khai thác, thu thập, đánh giá bệnh nhân cũng như cung cấp nhu cầu các dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, hỗ trợ… Việc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao nhận thức và kỹ năng chuyên môn cho nhân sự bệnh viện là đòi hỏi bức thiết trong quá trình phát triển và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. “Các bệnh viện cần có kế hoạch & lộ trình để tăng tỷ lệ nhân viên có chứng chỉ hành nghề công tác xã hội theo Nghị định 110 của Chính phủ về Công tác xã hội”. PGS. TS Nam nhấn mạnh.

Với chủ đề “Chuyên nghiệp hoá hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện”, ngoài việc bàn thảo về vai trò, tầm quan trọng, năng lực nhân sự của lĩnh vực, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng chia sẻ nhiều nội dung thú vị khác như: Kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông tại Bệnh viện Bạch Mai; Xây dựng mô hình bảo vệ trẻ em và phụ nữ tại bệnh viện; Mô hình lồng ghép chăm sóc tâm lý xã hội tại y tế cơ sở; Vượt qua lưỡng lự hỗ trợ bệnh nhân điều trị thay đổi; Thực hành quản lý trường hợp theo hướng lâm sàng trong bệnh viện…

Hội nghị đã thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, quý thầy cô và đồng nghiệp, sinh viên chuyên ngành công tác xã hội đến từ các tỉnh thành trên cả nước và thế giới dưới hình thức trực tiếp và online.

 

Bài ảnh: Nguyên Hà – Thành Dương

Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai

https://bachmai.gov.vn/tin-chi-tiet/-/bai-viet/cong-tac-xa-hoi-thanh-to-quan-trong-trong-cac-benh-vien-hien-nay-9437-144.html