KẾT QUẢ PHẪU THUẬT NỘI SOI ĐẶT VÒNG THẮT DẠ DÀY ĐIỀU TRỊ BỆNH BÉO PHÌ
24/09/2024, 16:42
BÙI THANH PHÚC, TRẦN BÌNH GIANG
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
TÓM TẮT
Mục tiêu: Béo phì là một tình trạng bệnh lý đang gia tăng tại Việt Nam, Phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt dạ dày đã được ứng dụng trong điều trị bệnh lý ngày nay. Nghiên cứu nhằm đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt dạ dày điều trị bệnh béo phì tại Bệnh viện Việt Đức.
Phương pháp: Nghiên cứu mô tả tiến cứu không có nhóm chứng, theo dõi dọc.
Kết quả: Trong 7 năm 55 bệnh nhân (BN) mổ đặt vòng giảm béo, BMI trước mổ là 39,4, BMI sau mổ 1 năm là 26,9 (BMI tương ưng với tình trạng thừa cân). Về mặt chất lượng cuộc sống sau 1 năm có tới 94,2% bệnh nhân cải thiện về chất lượng cuộc sống.
Kết luận: Phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt dạ dày là phương pháp điều trị béo phì có hiệu quả cao và có tỷ lệ biến chứng thấp.
Từ khóa: Phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt dạ dày, BMI
SUMMARY
The prevalence of obesity as increased recently in Vietnam. Laparoscopic adjustable gastric banding (LAGB) is used to treat this condition. This study was conducted aiming to assess the effectiveness of LGAB in Viet Duc hospital.
Method: this is a longitudinal study.
Results: 55 patients were recruited. Data was collected in 7 years. The mean of BMI at pre-operation was 39.4 which reduced to 26.9 at one year after operating (at overweigh degree). 94.2% of participants reported an improvement in the quality of life one year after the operation.
Conclusion: The results indicated the effectiveness of LAGB. Nevertheless, this treatment is considered safe for patient with low rate of complication.
Keyword: Laparoscopic adjustable gastric banding, BMI.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Tại Việt Nam, tình trạng thừa cân và bệnh béo phì cũng đang ngày một gia tăng, đặc biệt ở tầng lớp trẻ tuổi, vì vậy cũng đặt ra vấn đề lớn cho ngành y tế và toàn xã hội [1] . Nhiều phương pháp đã được áp dụng trong việc điều trị bệnh béo phì. Các biện pháp thay đổi lối sống, tăng cường vận động thể lực đã được chứng minh chỉ có tác dụng với những người thừa cân và cũng chỉ đem lại hiệu quả trong thời gian ngắn. Một số thuốc điều trị nội khoa cũng không đem lại được kết quả mong muốn trong thời gian dài. Vì vậy phẫu thuật chữa bệnh béo phì đã được tính đến như một trong những phương pháp chữa bệnh. Khi phẫu thuật nội soi được đưa vào ứng dụng lâm sàng một cách chuẩn hóa từ năm 1987, kỹ thuật này cũng đã được ứng dụng để thực hiện các phẫu thuật giảm béo qua nội soi. Kể từ khi được Belachew thực hiện lần đầu tiên năm 1993 [5] , phẫu thuật đặt vòng thắt dạ dày giảm béo qua nội soi (LAGB ) đã dần được ứng dụng rộng rãi trên thế giới và cho kết quả đáng khích lệ [4], [6], [7] . Từ tháng 5 năm 2007 phẫu thuật nội soi đặt vòng thu hẹp dạ dày chữa bệnh béo phì được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Mục đích của nghiên cứu này nhằm đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt dạ dày điều trị bệnh béo phì.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- Đối tượng nghiên cứu:
Bệnh nhân béo phì được phẫu thuật đặt vòng thắt dạ dày tại Bệnh viện Việt Đức từ tháng 5 năm 2007 đến tháng 5 năm 2014, có các tiêu chuẩn sau:
Tuổi dưới 65.
BMI ≥ 32 kèm bệnh phối hợp: cao huyết áp, đái đường, tăng cholesterol máu, đau khớp … hoặc BMI ≥ 37.
Sau khi điều trị béo phì trên 1 năm bằng các phương pháp nội khoa thất bại.
BN không có chống chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng: suy tim mất bù, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả tiến cứu không có nhóm chứng, theo dõi dọc
Phương tiện sử dụng: Hệ thống thiết bị phẫu thuật nội soi ổ bụng của hãng Karl Storz.
Phương pháp phẫu thuật: BN gây mê nội khí quản (NKQ), nằm ngửa, đầu cao, 2 chân dạng một góc 90o, cố định chắc chắn vào bàn mổ. Phẫu thuật viên đứng giữa 2 chân bệnh nhân, người cầm camera đứng bên phải BN, người phụ mổ đứng bên trái, màn hình chính đặt bên trái ngang mức vai bệnh nhân.
Phẫu thuật bắt đầu bằng việc quan sát đánh giá toàn bộ ổ bụng, tình trạng gan đặc biệt là gan trái, vùng tâm vị dạ dày. Phẫu tích bắt đầu tại góc tâm phình vị bằng cách giải phóng dây chằng hoành dạ dày, tạo ra khoảng tự do sau bên trái tâm vị. Bên phải phẫu tích qua mạc nối nhỏ, đi vào khoảng trước cột trụ phải cơ hoành sau tâm vị, tạo đường hầm sau tâm vị và phần trên mặt sau phình vị dạ dày. Một kẹp phẫu tích cong không chấn thương được luồn qua đường hầm qua bên phải tâm vị tới khoảng trống đã được tạo ra. Vòng thắt dạ dày được đưa vào ổ bụng qua lỗ trocart ở dưới sườn trái, đưa vòng qua đường hầm phía sau từ trái sang phải và khớp lại ở bên phải tâm vị. Vòng được cố định bằng 2 – 3 mũi ethilon 2.0 khâu trên thành phình vị lớn tạo nếp gấp che phủ bao quanh vòng. Bộ phận điều chỉnh vòng được cố định vào cân cơ thẳng to ở vị trí phía dưới lỗ vào ở dưới sườn trái.
Theo dõi và điều trị sau mổ
Ngày đầu tiên sau mổ chụp lưu thông dạ dày với thuốc cản quang để kiểm tra vị trí vòng và các tai biến có thể như: thủng thực quản hay dạ dày mà không phát hiện được trong mổ. Bệnh nhân được phép uống nước ngày đầu tiên.
Ngày thứ hai bệnh nhân xuất viện, trong tuần đầu tiên sau mổ bệnh nhân ăn chất lỏng sau đó ăn đặc dần.
Sau 1 tháng bệnh nhân được kiểm tra và điều chỉnh vòng lần đầu tiên.
Trong 6 tháng đầu tiên bệnh nhân đến kiểm tra và điều chỉnh vòng mỗi tháng 1 lần, vòng được điều chỉnh tùy theo đánh giá của thầy thuốc về mức độ giảm cân và ảnh hưởng của vòng tới sinh hoạt của người bệnh.
Sau 6 tháng thời gian kiểm tra tiếp theo được xác định tùy diễn tiến lâm sàng.
KẾT QUẢ
- Đặc điểm bệnh nhân
Phân bố tuổi: Tuổi trung bình là 27,71±8,7 (tuổi), thấp nhất là 16 tuổi, cao nhất là 53 tuổi.
Phân bố giới tính: nam 26,7% (14 BN), nữ 73,3% (41 BN).
Bảng 1: Phân bố bệnh nhân theo chỉ số BMI trước mổ
BMI | Số lượng | Tỷ lệ % |
Dưới 35 | 12 | 21,8 |
35 đến 40 | 19 | 34,5 |
40 đến 50 | 19 | 34,5 |
≥ 50 | 5 | 9,2 |
Tổng số | 55 | 100 |
Bảng 2: Phân bố bệnh nhân theo bệnh phối hợp
Bệnh phối hợp | Số lượng | Tỷ lệ % |
Cao huyết áp | 10 | 18,8 |
Đái đường | 4 | 7,3 |
Mỡ máu cao | 27 | 49,1 |
Đau khớp | 5 | 9,1 |
Vô sinh | 2 | 3,6 |
Rối loạn kinh nguyệt | 2 | 3,6 |
2, Các kết quả trong mổ và trong thời gian hậu phẫu
Thời gian mổ trung bình là 48,41 ± 4,7 phút, ngắn nhất là 30 phút, dài nhất là 75 phút.
Thời gian nằm viện trung bình là 3,15±2 ngày, ngắn nhất là 2 ngày, dài nhất là 13 ngày.
Không có trường hợp nào gặp các biến chứng nặng như thủng thực quản, thủng dạ dày hay chuyển mổ mở. Không có BN nào tử vong, chảy máu hay viêm phúc mạc sau mổ. Tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ và suy hô hấp sau mổ là 2,2%.
3.Kết quả theo dõi sau mổ
Bảng 3. Các chỉ tiêu về cân nặng
Các chỉ tiêu | Giảm cân nặng thừa EWL (%) | BMI | Cân nặng cơ thể BW |
Trước mổ | 0 | 39,4 | 104,0 |
Sau 2 tháng | 27,9 | 34,6 | 91,7 |
Sau 5 tháng | 53,5 | 30,1 | 80 |
Sau 12 tháng | 69,1 | 26,9 | 71,2 |
Bảng 5. Phân bố bệnh nhân theo các bệnh phối hợp trước và sau mổ 1 năm
Tiền sử | Trước mổ | Sau mổ | ||
n | % | n | % | |
Cao huyết áp | 10 | 18,8 | 2 | 3,6 |
Đái đường | 4 | 7,3 | 0 | 0 |
Mỡ máu cao | 27 | 49,1 | 16 | 29,1 |
Đau khớp | 5 | 9,1 | 0 | 0 |
Vô sinh | 2 | 3,6 | 0 | 0 |
Rối loạn kinh nguyệt | 2 | 3,6 | 0 | 0 |
Bảng 6. Chất lượng cuộc sống sau mổ 1 năm
Mức độ
CLCS |
Rất tồi | Tồi | Không thay đổi | Tốt | Rất tốt |
Tự nhận thức bản thân (n=55) | 0
(0%) |
1
(1,8%) |
3
(5,5%) |
20
(36,4%) |
31
(56,4%) |
Hoạt động thể lực (n=55) | 0
(0%) |
1
(1,8%) |
3
(5,5%) |
19
(34,5%) |
32
(58,2%) |
Hoạt động xã hội (n=55) | 0
(0%) |
0
(0%) |
4
(7,3%) |
22
(40,0%) |
29
(52,7%) |
Công việc (n=55) | 0
(0%) |
2
(3,6%) |
3
(5,5%) |
21
(38,2%) |
29
(52,7%) |
Tình dục
(n=30) |
0
(0%) |
1
(3,3%) |
2
(6,7%) |
17
(56,7%) |
10
(33,3%) |
Biến chứng sau mổ:
Có 1 trường hợp trượt đai (chiếm 1,8%), có 2 trường hợp đai chui vào dạ dày (chiếm 3,6%). Không có bệnh nhân nào bị biến chứng rò dây dẫn, nhiễm trùng buồng, xoay buồng và buồng lồi lên mặt da.
BÀN LUẬN
Trong nghiên cứu của chúng tôi không có bệnh nhân nào tử vong, thủng thực quản, thủng dạ dày hay chuyển mổ mở. Theo Keidar A và cộng sự nghiên cứu trên 125 bệnh nhân phẫu thuật đặt đai giảm béo nội soi phát hiện 8 trường hợp thủng dạ dày ( tương ứng 6,4%) trong mổ nhờ bơm methylene qua sonde dạ dày, tất cả các trường hợp này gặp trong 30 bệnh nhân đầu tiên [2] . Do đó theo chúng tôi kinh nghiệm của phẫu thuật viên là yếu tố quan trọng để giảm tỷ lệ biến chứng trong mổ.
Trong nghiên cứu của chúng tôi không có bệnh nhân nào tử vong, viêm phúc mạc sau mổ. Có 1 trường hợp suy hô hấp sau mổ (1,8%), . Có 1 trường hợp(1,8%) nhiễm trùng vết mổ ở lỗ trocart dưới sườn trái bệnh nhân. Tỷ lệ này cũng tương tự so với các tác giả khác. Theo nghiên cứu của Keidar A tỷ lệ viêm phổi sau mổ là 4%, tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ là 3,8% [2] . Như vậy tỷ lệ các biến chứng gần của chúng tôi cũng tương tự như ở các nước có điều kiện gây mê hồi sức và vô trùng phát triển ở châu Âu
BMI sau mổ:
Theo nghiên cứu của chúng tôi 5 tháng sau mổ BMI trung bình còn 30,2, tương ứng với béo phì độ 1. Một năm sau mổ BMI của các bệnh nhân béo phì giảm xuống còn 26,9, tương ứng với tình trạng thừa cân theo phân loại của WHO. Sự khác biệt là có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
Theo nghiên cứu của Busetto L và cộng sự 6 tháng sau mổ BMI trung bình là 39 tương ứng với béo phì độ 2, một năm sau mổ BMI trung bình còn 36 cũng tương ứng với béo phì độ 2 [4] .
Theo nghiên cứu của Foo C.S BMI trung bình 6 tháng sau mổ là 37,4 ( tương ứng béo phì độ 2), 1 năm sau mổ BMI trung bình là 34,1 (tương ứng béo phì độ 1).
Các bệnh phối hợp
Trong nghiên cứu của chúng tôi có 10 bệnh nhân cao huyết áp (tương ứng 18.2%), 1 năm sau mổ chỉ còn 2 bệnh nhân cao huyết áp (tương ứng 3,6 %). Như vậy tỷ lệ bệnh nhân cao huyết áp sau mổ giảm xuống chỉ còn 1/5.
Theo nghiên cứu của Bueter M tỷ lệ bệnh nhân cao huyết áp trước mổ là 63%, sau mổ 1 năm tỷ lệ bệnh nhân cao huyết áp giảm xuống còn 12.6% [6], tỷ lệ này cũng tương ứng với nghiên cứu của chúng tôi sau mổ tỷ lệ cao huyết áp cũng giảm xuống chỉ còn 1/5.
Trong nghiên cứu của chúng tôi có 2 bệnh nhân nữ vô sinh trước mổ, sau 2 năm cả 2 bệnh nhân này đều có con.
Như vậy đặt đai dạ dày trong điều trị béo phì không chỉ có tác dụng làm giảm cân nặng mà còn có tác dụng điều trị các bệnh phối hợp với béo phì rất hiệu quả.
Chất lượng cuộc sống:
Trong nghiên cứu này chúng tôi đánh giá chất lượng cuộc sống dựa trên thang điểm Moore-head Ardelt sau mổ 1 năm trên 5 lĩnh vực: Tự nhận thức bản thân, hoạt động thể lực, hoạt động xã hội, công việc và tình dục. Sau 1 năm tỷ lệ bệnh nhân có cải thiện về các lĩnh vực này đều trên 80%.
Theo nghiên cứu của Zijlstra H và cộng sự trên 91 bệnh nhân béo phì, tỷ lệ cải thiện chất lượng cuộc sống trung bình sau mổ là 80%.
Biến chứng sau mổ
Trong nghiên cứu của chúng tôi có 1 bệnh nhân trượt đai (tương ứng với 3,2%) . Bệnh nhân sau mổ giảm cân đều đặn cho đến tháng thứ 5 thì xuất hiện triệu chứng nôn ngay sau ăn. Bệnh nhân được phát hiện trượt đai kèm theo giãn túi dạ dày phía trên qua chụp X quang lưu thông dạ dày thực quản.
Theo nghiên cứu của Chelala E trên 185 bệnh nhân thì tỷ lệ trượt đai là 4,2% [3] . Theo nghiên cứu của Keidar A và cộng sự thì tỷ lệ trượt đai sau phẫu thuật đặt đai dạ dày giảm béo là 8.4%. Cũng theo Keidar A thì nguyên nhân chính gây ra trượt đai trong nghiên cứu này là do không khâu cố định đai vào mặt trước dạ dày ngoài ra thì việc chỉnh đai quá sớm sau mổ ( trước 4 tuần) cũng gây ra trượt đai [2] . Như vậy tỷ lệ trượt đai trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với các tác giả nước ngoài, có lẽ là do trong quá trình phẫu thuật chúng tôi đã tránh các thao tác làm tăng nguy cơ trượt đai: Khi phẫu thuật tạo đường hầm sau dạ dày phẫu thuật viên luôn tránh phẫu tích quá nhiều, tránh mở rộng đường hầm, đai luôn được cố định ở phía trước dạ dày trên mọi bệnh nhân. Nhiều khả năng bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi bị trượt đai là do không tuân thủ theo chế độ ăn, bệnh nhân ăn quá nhiều và ăn thức ăn đặc quá sớm.
KẾT LUẬN
Phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt dạ dày điều trị bệnh béo phì đã được thực hiện có hiệu quả tại Bệnh viện Việt Đức với hiệu quả giảm cân nặng sau mổ 1 năm từ béo phì độ 3 xuống còn tương ứng thừa cân và hơn 90% bệnh nhân hài lòng với kết quả đạt được. Đây là một phương pháp phẫu thuật an toàn có hiệu quả khi được chỉ định chặt chẽ ở những bệnh nhân bị bệnh béo phì điều trị nội khoa và dinh dưỡng không có hiệu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đỗ Thị Hợp, Lê Bạch Mai và Lê Công Khẩn (2005), “Tình trạng béo phì và hội chứng rối loạn chuyển hóa ở Việt Nam”, Tổng điều tra béo phì toàn quốc 2005, Nhà xuất bản Y học Hà Nội.
- Keidar A, Szold A và Carmon E el al (2005), “Band slippage after laparospic adjustable gastric banding”, Obesity surgery. 19, pp. 262-272.
- Chelala E, Cadiere GB và Himpens et al (1997), “Conversation and complication in 185 laparoscopic adjustable gastric banding cases”, Obesity surgery. 19, pp. 2662-267.
- Busetto L, Segato G và Luca M et al (2002), “Outcome preditor in morbidly obese recipents of an adjustable gastric banding”, Obesity surgery. 12, pp. 83-92.
- Belachew M, Legrand M và Vincent V et al (1995), “Laparoscopic placement of adjustable silicon gastric banding in the treatment of “, Obesity surgery. 5, pp. 66-70.
- Bueter M, Maroske J và Thalheimer A et al (2008), “Short and Long-term result of laparoscopic gastric banding for morbid obesity”, Langenbeeks Arch Surg. 393, pp. 199 – 205.
- O Brien PE và Dixon JB (2004), “Lapband outcome and results”, Journal of laparoendo. 13, pp. 265-272.
- Tạp chi YHTH số 1113 tháng 10.2019