NGHIÊN CỨU HÌNH THÁI ĐƯỜNG VỠ TRONG CHẤN THƯƠNG XƯƠNG THÁI DƯƠNG

Tác giả: NGUYỄN THỊ QUYÊN, NGUYỄN QUANG TRUNG

TÓM TẮT

Chấn thương xương thái dương thường kết hợp với các chấn thương nghiêm trọng gây hạn chế đánh giá tình trạng chức năng trên lâm sàng. Chụp cắt lớp vi tính xương thái dương giúp chẩn đoán tổn thương xương thái dương. Hình thái đường vỡ xương thái dương được phân loại dựa trên phim cắt lớp vi tính giúp mô tả đường vỡ tốt về mặt giải phẫu và thực hành lâm sàng là rất cần thiết. Mục tiêu: Mô tả đường vỡ xương thái dương trên phim chụp cắt lớp vi tính- đối chiếu với phân loại hiện nay.

Đối tượng và phương pháp: Phương pháp nghiên cứu là thống kê mô tả kết hợp hồi cứu và tiến cứu. Đối tượng gồm 38 bệnh nhân được chẩn đoán là chấn thương xương thái dương được điều trị tại Bệnh viện Tai- Mũi- Họng Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội từ 01/03/2019 đến 15/09/2020.

Kết quả: Theo phân loại cổ điển, đường vỡ ngang gặp 20%, đường vỡ dọc gặp 42,5%, đường vỡ chéo gặp 37,5%. Theo phân loại dựa vào mê đạo xương, đường vỡ qua mê đạo xương gặp 10%, đường vỡ không qua mê đạo xương gặp 90%. Theo phân loại đường vỡ dựa vào xương đá, đường vỡ trong gặp 10%, đường vỡ ngoài gặp 100%, tỉ lệ gặp các đường vỡ ngoài 1,2 và 3 lần lượt gặp 72,5%, 60% và 67,5%. Phân loại đường vỡ theo cổ điển và dựa vào mê đạo xương đơn giản, dễ thực hành, tuy nhiên phân loại cổ điển không thể hiện được cấu trúc xương tổn thương, còn phân loại dựa vào mê đạo xương không thể hiện được hướng của đường vỡ; trong khi phân loại dựa vào xương đá và phân nhóm phụ không phức tạp nhưng yêu cầu cao hơn, và phân loại này khắc phục được hạn chế của 2 nhóm phân loại trước.

Kết luận: Hình thái đường vỡ xương thái dương được phân loại theo cách cổ điển hoặc dựa trên mê đạo xương đều có những hạn chế nhất định, trong khi phân loại dựa vào xương đá và phân nhóm phụ có ưu thế rõ ràng hơn cả về giải phẫu và thực hành lâm sàng.

Từ khóa: Chấn thương xương thái dương, phân loại đường vỡ xương thái dương.

bai-21-p108-112
Đầu trang
Tải