TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN CỦA PROPESS TRONG QUÁ TRÌNH GÂY CHUYỂN DẠ THAI ĐỦ THÁNG

Tác giả: NGÔ THỊ THÙY DƯƠNG, LÊ THIỆN THÁI

TÓM TẮT

Propess (dinoprostone dạng đặt âm đạo) là một loại prostaglandin E2, bắt đầu được đưa vào sử dụng để gây chuyển dạ tại Việt Nam từ vài năm gần đây. So với các thuốc thuộc nhóm prostaglandin E1, việc sử dụng prostaglandin E2 an toàn hơn, ít gây cơn co cường tính và ít gây suy thai.

Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá các tác dụng không mong muốn và tác dụng phụ của Propess trong quá trình gây chuyển dạ thai đủ tháng.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Chúng tôi tiến hành nghiên cứu bằng phương pháp mô tả tiến cứu cắt ngang. Tất cả các sản phụ vào Khoa Đẻ có tuổi thai từ 38 đến 42 tuần, có chỉ định gây chuyển dạ đẻ đường âm đạo.

Kết quả: Từ tháng 07/2019 đến tháng 03/2020, chúng tôi tiến hành nghiên cứu trên 80 sản phụ. Tỷ lệ gây chuyển dạ thành công của Propess là 72.5%. Các tác dụng không mong muốn được ghi nhận trong quá trình nghiên cứu gồm: cơn co tử cung cường tính: 13 sản phụ (16,25%), cơn co tử cung không đồng bộ: 1 sản phụ (1,25%); nhịp tim thai bất thường: 15 sản phụ (18,75%) (bao gồm nhịp tim thai Dip I: 7,5%; nhịp chậm dưới 120 lần/phút: 7,5%; nhịp tim thai Dip II có kèm biến đổi Dip I: 1,25% và nhịp tim thai nhanh trên 160 lần/phút: 2,5%). Chúng tôi không gặp trường hợp nào bị vỡ tử cung. Có 4 sản phụ gặp tai biến sau đẻ bao gồm: 2 chảy máu sau đẻ, 1rách CTC, 1 tụt huyết áp. Tất cả trẻ sơ sinh khi ra đời có Apgar > 7, không có trường hợp nào bị ngạt phải hồi sức sơ sinh. Chúng tôi cũng ghi nhận một số tác dụng phụ của thuốc gồm: nôn: 1 sản phụ (1,25%), sốt trong chuyển dạ 5 sản phụ (6,25%) và sốt sau đẻ 1 sản phụ (1,25%). Không có sản phụ nào bị tiêu chảy hay đau đầu.

Kết luận: Khởi phát chuyển dạ bằng Propess không gây nhiều tác dụng không mong muốn và tác dụng phụ.

Từ khóa: Khởi phát chuyển dạ, dinoprostone dạng đặt âm đạo (Propess).

SO-36.-THANG-11.-2021.Tr22.Bai-5-1
Đầu trang
Tải