TÍNH SỐNG CÒN CƠ TIM DỰA TRÊN XẠ HÌNH TƯỚI MÁU CƠ TIM BẰNG KỸ THUẬT SPECT- CT

Tác giả: TRẦN HỮU THẾ, ĐẶNG VẠN PHƯỚC

TÓM TẮT

Tổng quan: Đánh giá tính sống còn cơ tim có ứng dụng thực tiễn trên lâm sàng với SPECT-CT là một trong những phương pháp phổ biến. Bệnh nhân (BN) với tỉ lệ cơ tim còn sống cao được hưởng lợi từ tái tưới máu mạch vành.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu thực hiện trên 168 bệnh nhân bệnh mạch vành mạn ổn định tại khoa Nội tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy, các bệnh nhân được đánh giá tình trạng thiếu máu cơ tim qua đó đánh giá tính sống còn trên SPECT-CT với quy trình ghi hình bằng Tc-99m sestamibi qua phần mềm 4DM-SPECT/CT, dựa vào các giá trị SSS, SRS, SDS (mỗi phân vùng được tính theo thang 5 điểm: 0=bình thường; 1 = giảm hấp thu nhẹ; 2 = giảm hấp thu trung bình; 3 = giảm hấp thu nặng; 4 = không có hấp thu) sẽ có chiến lược điều trị tùy theo kết quả xạ hình tưới máu cơ tim SPECT-CT theo phác đồ điều trị hiện hành của Bệnh viện Chợ Rẫy, theo dõi tỉ lệ tử vong chung và cải thiện triệu chứng đau ngực, phân độ suy tim theo NYHA sau 03 tháng.

Kết quả: Dựa vào % SDS tổng điểm thiếu máu của 17 vùng tưới máu cơ tim được chia thành 3 mức độ rất nhẹ (≤ 4%), nhẹ (5 – 9%) và trung bình – nặng (≥ 10%) lần lượt được chia làm 2 nhóm can thiệp mạch vành và điều trị nội khoa. Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỉ lệ tử vong giữa 2 nhóm can thiệp và điều trị nội (p > 0,05), mặc dù ở nhóm BN có mức độ thiếu máu cơ tim trung bình-nặng hay % SDS ≥ 10% thì tỉ lệ tử vong ở nhóm BN được điều trị nội khoa (ĐTNK) cao hơn so với nhóm BN được can thiệp mạch vành (CTMV) (18,4% so với 4,2%). Khi so sánh về mức độ cải thiện NYHA, nhóm BN được CTMV (14/40) có tỉ lệ cao hơn rõ rệt so với nhóm BN chỉ được ĐTNK (13/128), 35% so với 10,2%; p < 0,001. Mức độ cải thiện NYHA sau 03 tháng theo dõi có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở nhóm có mức độ thiếu máu trung bình – nặng (% SDS ≥ 10%) khi so sánh giữa hai chiến lược điều trị CTMV và ĐTNK (41,7% so với 5,3%; p = 0,001). Ngược lại, không có sự khác biệt về ý nghĩa thống kê ở mức độ cải thiện NYHA giữa hai chiến lược điều trị ở hai nhóm % SDS rất nhẹ (≤ 4%) và nhẹ (5 – 9%).

Kết luận: So với điều trị nội khoa (ĐTNK), can thiệp mạch vành (CTMV) tăng tỉ lệ cải thiện triệu chứng theo phân độ NYHA ở nhóm BN tình trạng thiếu máu cơ tim mức độ trung bình – nặng (%SDS ≥ 10%), không có sự khác biệt có ý nghĩa về tỉ lệ tử vong.

Từ khóa: xạ hình tưới máu cơ tim, SPECT-CT, SSS, SRS, SDS

153-158
Đầu trang
Tải