Quản lý viêm da cơ địa ở trẻ em
02/10/2024, 10:57
Viêm da cơ địa là một bệnh da mạn tính, thường gặp ở trẻ em từ vài tháng tuổi cho đến tuổi đi học. Biểu hiện của bệnh phong phú: trẻ nhỏ ở thời kỳ bú mẹ hay gặp chàm sữa là tình trạng khô đỏ hai má (như hình ảnh minh họa), lớn hơn trẻ có thể bị những đám mụn, ngứa ở những vùng da cọ xát nhiều như cổ, bàn tay chân, thân mình, các vùng nếp kẽ…
Viêm da cơ địa thường gặp ở trẻ nhỏ. Ảnh minh hoạ.
Bệnh viêm da cơ địa không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ngứa nhiều có thể làm trẻ mất ngủ; việc tái phát, điều trị lâu dài ảnh hưởng đến phát triển thể chất của trẻ. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ và người chăm sóc. Chính vì vậy, trẻ bị viêm da cơ địa cần có kế hoạch quản lý bệnh hiệu quả với mục tiêu là điều trị giảm nhanh triệu chứng khô da và viêm da và hạn chế đợt bùng phát của bệnh. Các thuốc điều trị bao gồm:
Thuốc bôi chứa corticoid
Các loại thuốc mỡ chứa corticoid để giảm triệu chứng viêm da trong giai đoạn cấp của bệnh khi da viêm đỏ, có mụn nước và ngứa. Tuy nhiên, để tránh tác dụng phụ, thuốc chỉ nên dùng trong thời gian khoảng 2 tuần, bôi hàng ngày từ 1-2 lần. Chuyển sang giai đoạn duy trì có thể bôi 1-2 lần/ tuần tùy theo chỉ định của bác sĩ. Chỉ nên bôi thuốc chứa corticoid ở những vùng da đỏ, có mụn, bong vảy và ngứa. Cha mẹ nên bôi và xoa cho đến khi thuốc ngấm vào da, có thể thoa thuốc chứa corticoid một lớp mỏng, từ 1 đến 2 lần mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ. Nếu phải bôi 2 lần, có thể bôi một lần trước khi ngủ và một lần khác trong ngày. Đọc kĩ đơn thuốc để nắm chắc cách dùng, vị trí bôi của từng loại thuốc và tần suất dùng. Lưu ý, mỗi loại thuốc bôi corticoid phù hợp với từng vùng da khác nhau, do vậy không bôi thuốc dành cho vùng da dày như da bàn tay, chân lên vùng da mỏng như da mặt để tránh tác dụng phụ.
Trong giai đoạn viêm cấp, dùng thuốc bôi có corticoid để kiểm soát bệnh. Ảnh minh hoạ.
Sản phẩm dưỡng ẩm
Sản phẩm dưỡng ẩm rất quan trọng để điều trị khô da trong viêm da cơ địa. Sản phẩm dưỡng ẩm rất đa dạng bao gồm dạng bôi như kem, sữa, mỡ, dầu hoặc dạng tắm. Cần nhớ rằng điều trị chống khô da là yếu tố quan trong giúp giảm triệu chứng và hạn chế bệnh tái phát, do vậy trẻ em bị bệnh viêm da cơ địa cần sử dụng dưỡng ẩm thường xuyên và duy trì lâu dài. Cách dùng dưỡng ẩm bôi và tắm như sau:
– Thoa dưỡng ẩm lên vùng da khô, có thể thoa trên diện rộng nếu có khô da diện rộng. Số lần bôi có thể linh hoạt tùy vùng da, theo mùa (ví dụ như mùa hè trời nóng ẩm, có thể thoa 2 -3 lần/ ngày, mùa đông hanh khô có thể thoa nhiều lần hơn). Tuy nhiên, nên bôi tối thiểu 2 – 3 lần mỗi ngày, đặc biệt là lần bôi ngay sau khi tắm xong. Duy trì bôi dưỡng ẩm lâu dài ngay cả khi bệnh đã thuyên giảm.
– Tắm bằng nước ấm vừa trong tối đa 10 phút. Nước quá nóng sẽ làm tổn thương thượng bì và tăng mất nước qua da. Không nên dùng sữa tắm có xà phòng và hạn chế các sữa tắm có hương thơm sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng cho trẻ
– Sau khi tắm xong, nhẹ nhàng thấm khăn khô lên da cho khô, không lau mạnh hoặc chà xát. Sau đó, bôi ngay các sản phẩm dưỡng ẩm lên da.
Sản phẩm dưỡng ẩm rất quan trọng để điều trị khô da trong viêm da cơ địa. Ảnh minh hoạ.
Thuốc kháng sinh
Trong những trường hợp nặng, tổn thương da chảy dịch nhiều, có mụn mủ là triệu chứng của nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh dạng bôi và/hoặc dạng uống cho trẻ. Chỉ dùng những loại thuốc này theo chỉ định của bác sĩ. Thời gian dùng kháng sinh thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày.
Thuốc chống ngứa
Ngứa là triệu chứng rất hay gặp trong viêm da cơ địa gây cảm giác rất khó chịu cho trẻ, làm cho trẻ cào gãi, chà xát, ăn kém, khó ngủ. Vì vậy, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống ngứa nhóm kháng histamin. Không phải mọi lứa tuổi đều được dùng thuốc chống ngứa và những loại thuốc này có thể gây ra một số biến chứng nhất định nếu dùng không đúng chỉ định. Vì vậy, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng bất kì loại thuốc nào không trong đơn thuốc.
Phòng tránh các yếu tố làm tăng bệnh
Viêm da cơ địa có thể tái phát hoặc nặng lên do tác động của một số yếu tố như: Sự chà xát (trẻ cào gãi, các cọ xát do hoạt động sinh hoạt, vui chơi của trẻ…), tiếp xúc ẩm ướt (nghịch nước, ngậm mút tay, ngâm tắm lá, ra mồ hôi…), tiếp xúc hóa chất (xà phòng, mỹ phẩm, đồ chơi…), các nhiễm trùng khác (viêm họng, tiêm vaccin…) và còn nhiều yếu tố khác. Do vây, cha mẹ cần kiểm soát và phòng tránh các yếu tố nêu trên. Đồng thời đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được các bác sĩ khám và tư vấn kỹ hơn.
Theo dalieu.vn