TÁC DỤNG GIẢM ĐAU VÀ CẢI THIỆN CHỨC NĂNG KHỚP VAI CỦA SIÊU ÂM TRỊ LIỆU KẾT HỢP ĐIỆN CHÂM, XOA BÓP BẤM HUYỆT TRÊN BỆNH NHÂN VIÊM QUANH KHỚP VAI ĐƠN THUẦN

09/08/2024, 10:54

PHAN HUY QUYẾT1, DƯƠNG TRỌNG NGHĨA2, ĐẶNG TRÚC QUỲNH3

1Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

2Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương

3Trường Đại học Y Hà Nội

TÓM TẮT

Viêm quanh khớp vai là tình trạng đau và hạn chế vận động của khớp vai do tổn thương tại các cấu trúc phần mềm quanh khớp bao gồm gân, cơ, dây chằng và bao khớp. Mục tiêu: Đánh giá tác dụng giảm đau và cải thiện chức năng khớp vai của siêu âm trị liệu kết hợp điện châm, xoa bóp bấm huyệt (XBBH)  trong điều trị viêm quanh khớp vai đơn thuần. Phương pháp: Can thiệp lâm sàng mở, so sánh trước sau điều trị và có đối chứng. Kết quả: Sau 20 ngày điều trị, mức độ đau và chức năng khớp vai theo Constant C.R và Murley A.H.G được cải thiện ở cả 4 chỉ số. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01. Nhóm nghiên cứu cải thiện tốt hơn nhóm chứng ở chỉ số hoạt động hàng ngày, khả năng vận động khớp vai và năng lực khớp vai (p < 0,05). Kết quả điều trị chung: 93,3% tốt; 6,7% khá, tốt hơn nhóm chứng với p < 0,05.

Kết luận: Siêu âm trị liệu kết hợp điện châm, xoa bóp bấm huyệt có tác dụng giảm đau và cải thiện chức năng khớp vai trên bệnh nhân viêm quanh khớp vai đơn thuần.

Từ khóa: Viêm quanh khớp vai, siêu âm trị liệu, điện châm, xoa bóp bấm huyệt.

EFFECTS OF THERAPEUTIC ULTRASOUND COMBINED WITH ELECTROACUPUNCTURE AND MASSAGE – ACUPRESSURE ON RELIEVING PAIN AND IMPROVING SHOULDER’S FUNCTION IN PATIENTS WITH PERIARTHRITIS OF THE SHOULDER

SUMMARYPeriarthritis of the shoulder is the condition characterized by pain and limited movement of the humeroscapular joint, caused by the damage of the soft tissues surrounding the joint including tendons, muscles, ligaments and rotator cuffs. Objectives: To evaluate the effects of therapeutic ultrasound combined with electroacupuncture and massage – acupressure on relieving pain and improving function of the shoulder in patients with periarthritis of the shoulder. Method: Controlled clinical interventional trial, comparing before and after treatment and between control group and study group. Results: After 20 days of treatment, pain severity and shoulder’s function according to Constant – Murley Shoulder Outcome Score were improved in all four subscales. The difference was statistically significant (p <0.01). The study group had significantly better improvement than the control group in three subscales: activities ofdaily living, mobility and strength of the shoulder (p <0.05). The study group had the overall treatment results of 93.3% good and 6.7% fair, significantly higher than the control group (p < 0.05). Conclusion: Therapeutic ultrasound combined with electroacupuncture and massage – acupressure had good effects on pain relief and shoulder’s function improvement in patients with periarthritis of the shoulder.

Keywords: Periarthritis of the shoulder, therapeutic ultrasound, electroacupuncture, massage – acupressure.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Viêm quanh khớp vai (VQKV) bao gồm tất cả các trường hợp đau và hạn chế vận động của khớp vai mà tổn thương tại các cấu trúc phần mềm quanh khớp bao gồm gân, cơ, dây chằng và bao khớp… [1]. Bệnh thường gặp ở nhóm người lao động chân tay, các vận động viên, người trung niên, người già… gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ở Việt Nam, theo thống kê 1991 – 2000, tỷ lệ VQKV chiếm khoảng 13,24% số bệnh nhân điều trị tại khoa cơ xương khớp bệnh viện Bạch Mai [1] . Tại Mỹ, có 80% dân số trong đời ít nhất một lần bị VQKV [2] . Bệnh thường khởi phát từ từ, tăng dần sau vận động khớp vai quá mức hoặc sau những vi chấn thương liên tiếp ở khớp vai và có thể tự khỏi sau vài tuần hoặc vài tháng [3] . VQKV thường tái phát nhiều lần làm cho người bệnh khó chịu, giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, phải điều trị tốn kém cả kinh tế và thời gian. Chính vì vậy, việc điều trị để giảm đau và phục hồi được chức năng khớp vai là một vấn đề cấp bách cần được nghiên cứu nhiều hơn.

Điều trị VQKV theo Y học hiện đại (YHHĐ) chủ yếu sử dụng các thuốc giảm đau, chống viêm kết hợp vật lý trị liệu như điện xung, hồng ngoại, nhiệt trị liệu, sóng ngắn, sóng siêu âm trị liệu…Điều trị bằng thuốc thu được hiệu quả nhanh nhưng còn nhiều tác dụng không mong muốn làm cho bệnh nhân không sử dụng kéo dài được [3], [4], [5].

Theo Y học cổ truyền (YHCT), bệnh VQKV thuộc phạm vi chứng Kiên tý. Nguyên nhân của chứng Kiên tý do phong, hàn thấp xâm phạm vào cơ thể làm khí huyết kinh mạch không lưu thông, cân cơ không được nuôi dưỡng gây đau, hạn chế vận động [6] . YHCT có nhiều biện pháp điều trị cho bệnh nhân như: Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dùng thuốc. Siêu âm trị liệu là phương pháp đã được nghiên cứu điều trị một số bệnh về cơ xương khớp cho hiệu quả cao. Tuy nhiên chưa có công trình nào nghiên cứu đánh giá tác dụng của phương pháp này trên bệnh nhân VQKV. Hơn nữa việc kết hợp YHCT và YHHĐ làm tăng hiệu quả điều trị bệnh, giảm tác dụng phụ và thời gian điều trị cho người bệnh. Do đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Đánh giá tác dụng giảm đau và cải thiện chức năng khớp vai của siêu âm trị liệu kết hợp điện châm, xoa bóp bấm huyệt trong điều trị viêm quanh khớp vai đơn thuần”.

CHẤT LIỆU, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

  1. Chất liệu và phương tiện nghiên cứu

1.1. Chất liệu nghiên cứu:

* Công thức huyệt điện châm: Kiên tỉnh, Kiên ngung, Kiên trinh, Thiên tông, Trung phủ, Tý nhu, Cự cốt, Vân môn (theo phác đồ của Bộ Y tế – 2013) [7] .

* Các thủ thuật xoa bóp bấm huyệt: Xoa, day, vờn, bóp, vận động, rung khớp vai bấm các huyệt: Kiên tỉnh, Kiên ngung, Kiên trinh, Thiên tông, Trung phủ, Tý nhu, Cự cốt, Vân môn, phát vùng trên và sau vai (theo phác đồ của Bộ Y tế – 2013) [7] .

1.2. Phương tiện nghiên cứu:

  • Kim châm cứu làm bằng thép không gỉ, dài 5 cm, đường kính 0,5 mm, đầu nhọn của hãng Đông Á.
  • Pince, bông, cồn 700, máy điện châm KWD – TN09 – T06 của Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Thiết bị Y tế Hà Nội.
  • Máy siêu âm trị liệu: Physiomed expert của Đức sản xuất năm 2015.
  • Gel siêu âm.
  • Bảng đánh giá chức năng khớp vai theo Constant 1987.
  1. Đối tượng nghiên cứu

60 bệnh nhân tuổi ≥18, được chẩn đoán xác định là viêm quanh khớp vai theo YHHĐ và tương ứng với hai thể Kiên thống và Kiên Ngưng của YHCT.

  • Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân:
  • Theo YHHĐ: Bệnh nhân được chẩn đoán xác định viêm quanh khớp vai: Lâm sàng có đau và hạn chế vận động khớp vai; Cận lâm sàng có hình ảnh viêm gân cơ nhị đầu và/hoặc viêm gân cơ trên gai, tình nguyện tham gia nghiên cứu, tuân thủ đúng liệu trình điều trị.
  • Theo YHCT: Bệnh nhân được chẩn đoán Kiên tý thể Kiên thống: Đau dữ dội, cố định một chỗ, trời lạnh ẩm đau tăng, chườm ấm đỡ đau; đau tăng khi vận động, hạn chế 1 số động tác như chải đầu, ngủ kém vì đau, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi trắng. Hoặc thể Kiên ngưng: Khớp vai ít hoặc không đau, hạn chế vận động, khớp như bị đông cứng lại, hầu như không làm được các động tác như chải đầu, trời lạnh ẩm đau tăng, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi trắng dính nhớt.
  • Tiêu chuẩn loại trừ: Bệnh nhân quá suy nhược, phụ nữ có thai; bệnh nhân bị viêm quanh khớp vai do các bệnh lý khác như: Viêm khớp vai do vi khuẩn sinh mủ, do lao,…; các bệnh mạn tính: U phổi, thiểu năng vành, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp,…; do chấn thương; bệnh Paget,… Bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu và không tuân thủ điều trị.
  1. Phương pháp nghiên cứu
  • Thiết kế nghiên cứu: Phương pháp can thiệp lâm sàng, so sánh trước – sau điều trị và so sánh với nhóm chứng.
  • Cỡ mẫu nghiên cứu: 60 bệnh nhân, chia làm 2 nhóm.
  • Tiến hành nghiên cứu:
  • Bệnh nhân được chẩn đoán xác định VQKV, đáp ứng tiêu chuẩn nghiên cứu, được khám lâm sàng một cách toàn diện.
  • Chia bệnh nhân thành hai nhóm theo phương pháp ghép cặp, đảm bảo sự tương đồng về tuổi, giới, thời gian mắc bệnh và mức độ bệnh.
  • Áp dụng phương pháp điều trị với từng nhóm:
  • Nhóm I (Nhóm nghiên cứu): 30 bệnh nhân điều trị bằng siêu âm trị liệu kết hợp xoa bóp bấm huyệt và điện châm.
  • Nhóm II (Nhóm chứng): 30 bệnh nhân điều trị bằng xoa bóp bấm huyệt và điện châm.
  • Liệu trình điều trị cho cả hai nhóm là 20 ngày.
  • Theo dõi các triệu chứng lâm sàng trước và sau điều trị.
  • Đánh giá kết quả điều trị và so sánh giữa hai nhóm.
  • Chỉ tiêu nghiên cứu:
  • Đánh giá mức độ đau và chức năng khớp vai theo Constant R và Murley A.H.G, gồm 4 chỉ số: Chỉ số đau, hoạt động hàng ngày, tầm vận động, lực của vai với tổng số điểm là 100 [8] .
  • Đánh giá kết quả điều trị chung:

Phân loại kết quả:

Tốt: > 75%
Khá: 50% – 75%
Trung bình: > 50% – 25%
Kém: < 25%
  1. Địa điểm và thời gian nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành tại Bệnh viện đa khoa YHCT Hà Nội từ tháng 9/2018 đến tháng 8/2019.

  1. Phương pháp xử lý số liệu

Các số liệu thu thập được xử lý theo thuật toán thống kê Y sinh học, sử dụng phần mềm SPSS 20.0. Sự khác biệt là có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

  1. Đạo đức nghiên cứu

Các bệnh nhân đều tự nguyện tham gia trong nghiên cứu sau khi được giải thích rõ phác đồ điều trị và mục đích của nghiên cứu. Nghiên cứu chỉ nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân, không nhằm mục đích nào khác. Các thông tin của bệnh nhân đều được bảo mật và chỉ phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

  1. Tác dụng cải thiện mức độ đau khớp vai theo Constant C.R và Murley A.H.G

Bảng 1. Sự cải thiện mức độ đau khớp vai sau điều trị

Nhóm

Thời điểm

Nhóm I (n=30) Nhóm II (n=30) pI-II
Điểm TB D0

(`XD0 ± SD)

2,70 ± 1,23 2,23 ± 0,86 > 0,05
Điểm TB D10 (`XD10 ± SD) 8,27 ± 0,98 7,80 ± 0,99 > 0,05
Điểm TB D20 (`XD20 ± SD) 13,97 ± 0,77 12,30 ± 1,37 > 0,05
PD10-D0 < 0,01 < 0,01
PD20-D0 < 0,01 < 0,01

Nhận xét: Sau điều trị, chỉ số đau khớp vai theo Constant C.R và Murley A.H.G ở cả hai nhóm đều tăng so với trước điều trị với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,01). Nhóm nghiên cứu có xu hướng tăng cao hơn nhóm chứng, tuy nhiên sự khác biệt giữa hai nhóm chưa có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.

  1. Tác dụng cải thiện chức năng khớp vai theo Constant C.R và Murley A.H.G

Bảng 2. Sự cải thiện chức năng khớp vai sau điều trị

 

 

Nhóm

 

Chỉ số

Nhóm I (n = 30) Nhóm II (n = 30) pI-II
D0

(`X ± SD)

D20

(`X ± SD)

D0

(`X ± SD)

D20

(`X ± SD)

Hoạt động hàng ngày 8,67 ± 1,18 18,57 ± 1,31 8,70 ± 1,58 15,57 ± 1,50 pD0 > 0,05

pD20 < 0,05

pD20-D0 < 0,01 < 0,01
Khả năng vận động khớp vai 15,27 ± 2,32 35,20 ± 3,66 15,27 ± 1,99 30,93 ± 2,27 pD0 > 0,05

pD20 < 0,05

pD20-D0 < 0,01 < 0,01
Năng lực của khớp vai 7,37 ± 1,43 19,83 ± 3,16 7,43 ± 1,28 14,03 ± 2,92 pD0 > 0,05

pD20 < 0,05

pD20-D0 < 0,01 < 0,01

 

Nhận xét: Sau điều trị, các chỉ số hoạt động hàng ngày, khả năng vận động khớp vai, năng lực khớp vai ở cả hai nhóm đều cải thiện so với trước điều trị với p < 0,01. Nhóm nghiên cứu cải thiện tốt hơn nhóm chứng với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).

  1. Kết quả điều trị chung

Nhận xét: Sau điều trị nhóm nghiên cứu có tỷ lệ đạt kết quả tốt là 93,3%, nhóm chứng tỷ lệ này là 66,7%. Sự khác biệt giữa hai nhóm có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

BÀN LUẬN

Theo Constant C.R và Murley A.H.G, khớp vai được đánh giá thông qua 4 chỉ số: chỉ số đau, chỉ số hoạt động hàng ngày, khả năng vận động khớp vai và năng lực của khớp vai. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau điều trị các chỉ số đau và chức năng khớp vai đều tăng so với trước điều trị với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,01). Nhóm nghiên cứu tăng nhiều hơn nhóm chứng. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở chỉ số hoạt động hàng ngày, khả năng vận động của khớp vai và năng lực khớp vai (p < 0,05).

Kết quả của chúng tôi tương đồng với kết quả của một số nghiên cứu khác. Nghiên cứu của Lương Thị Dung (2014) cho kết quả sau 20 ngày điều trị, chỉ số đau tăng từ 3,33 ± 1,73 lên 14,0 ± 2,03, chỉ số hoạt động hàng ngày tăng từ 6,67 ± 2,43 lên 18,53 ± 2,03, khả năng hoạt động khớp vai tăng từ 13,2 ± 7,76 lên 34,27 ± 5,65, năng lực của khớp vai tăng từ 9,17 ± 2,71 lên 22,57 ± 3,25 [9]. Nghiên cứu của Nghiêm Thị Minh Thảo (2018) sau 20 ngày điều trị cho kết quả: chỉ số đau tăng từ 1,33 ± 2,25 lên 12,17 ± 3,64, chỉ số hoạt động hàng ngày tăng từ 8,70 ± 1,21 lên 17,23 ± 2,61, khả năng hoạt động khớp vai tăng từ 16,93 ± 1,76 lên 32,90 ± 3,15, năng lực của khớp vai tăng từ 7,27 ± 1,92 lên 19,33 ± 4,71 [10] .

Phác đồ chung của 2 nhóm đều dùng điện châm và xoa bóp bấm huyệt. Trong đó, theo cơ chế thần kinh – nội tiết – thể dịch, điện châm có tác dụng làm tăng nồng độ Beta – endorphin (có tác dụng mạnh gấp hơn 200 lần morphin), Serotonin, Catecholamin, Cortisol và ACTH do đó làm giảm cơn đau. Theo cơ chế thần kinh, châm cứu có tác dụng ức chế dẫn truyền cảm giác đau trong cung phản xạ do đó làm giảm đau. Điện châm cũng như tác động khác lên huyệt sẽ hoạt hoá theo kiểu tạo ra cung phản xạ thần kinh ở ba mức độ: tại chỗ, tiết đoạn và toàn thân [11] . Trong cung phản xạ có bộ phận nhạy cảm là da và cấu trúc thần kinh, mạch máu. Đường hướng tâm là các sợi thần kinh loại Ad type I, II sợi C. Trung tâm phản xạ là các cấu trúc thần kinh từ mức tuỷ sống, đồi thị, vùng dưới đồi, các neuron thuộc hệ thần kinh trung ương. Đường ly tâm là những sợi thần kinh đi đến da, cơ, mạch máu và các tạng phủ… Tất cả các yếu tố: cơ, lý, hoá khi tác động vào huyệt có thể điều chỉnh được các rối loạn chức năng của cơ thể thông qua cung phản xạ này. XBBH có tác dụng tăng tuần hoàn tại chỗ, tác dụng tốt cho cơ xương khớp thần kinh và bạch huyết. Theo YHCT, châm cứu và XBBH làm thông kinh hoạt lạc, âm dương, khí huyết được điều hòa mà giảm đau.

Sự chênh lệch về tác dụng của hai nhóm có được là do phương pháp siêu âm trị liệu. Siêu âm trị liệu có tác dụng giảm đau và cải thiện chức năng vận động do các tác dụng: tác dụng nhiệt, tác dụng cơ học, tác dụng hóa học…Tác dụng nhiệt có được do mô cơ thể hấp thụ sóng siêu âm, đặc biệt ở tại mô mỡ, mô cơ và màng ngoài xương. Nhiệt sinh ra làm tăng hoạt động của tế bào, giãn mạch, tăng tuần hoàn, tăng chuyển hóa, giảm viêm. Siêu âm còn có tác dụng làm lỏng các mô liên kết. Ngoài ra, siêu âm còn tác động trực tiếp lên đầu mút của các dây thần kinh ở sâu. Vì vậy, siêu âm trị liệu có tác dụng giảm đau, giảm viêm các tổ chức phần mềm quanh khớp vai giúp tăng cường khả năng vận động và năng lực của khớp vai.

Kết quả điều trị chung theo YHHĐ cho thấy sau 20 ngày điều trị 93,3% nhóm I xếp loại tốt, 6,7% xếp loại khá, trong khi nhóm II có 66,7% xếp loại tốt, 20% xếp loại khá và 13,3% xếp loại trung bình. Hiệu quả điều trị của nhóm I tốt hơn nhóm II. Sự khác biệt giữa 2 nhóm có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Như vậy, hiệu quả điều trị bằng siêu âm trị liệu kết hợp điện châm, XBBH tốt hơn so với chỉ áp dụng điện châm với XBBH.

KẾT LUẬN

Siêu âm trị liệu kết hợp điện châm, xoa bóp bấm huyệt có tác dụng giảm đau và cải thiện chức năng khớp vai trên bệnh nhân viêm quanh khớp vai đơn thuần.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thị Ngọc Lan (2016). Bệnh học cơ xương khớp nội khoa, Nhà xuất bản Y học, trang 163–175.
  2. Luime J.J., Koes B.W., Hendriksen I.J.M. và cộng sự (2004). Prevalence and incidence of shoulder pain in the general population; a systematic review. Scand J Rheumatol, 33(2), pp 73–81.
  3. Trần Ngọc Ân, Nguyễn Thị Ngọc Lan (2015). Phác đồ chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp thường gặp, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, trang 225 – 231.
  4. Nguyễn Thị Ngọc Lan (2000). Nghiên cứu tổn thương dạ dày ở bệnh nhân mắc bệnh khớp điều trị thuốc chống viêm không steroid, Luận văn tiến sĩ y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
  5. Nguyễn Quốc Anh và Ngô Quý Châu (2011). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa, Nhà xuất bản Hà Nội, trang 625 – 628.
  6. Trường Đại học Y Hà Nội, Khoa y học cổ truyền (2005). Bài giảng y học cổ truyền tập 2, Nhà xuất bản Y học, trang 125.
  7. Bộ Y tế (2013). Danh mục hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu, trang 41-111.
  8. Constant C.R, Murley A.H.G (1987). A clinical method of function assessment of the shoulder.s.l. : Clinical Orthpaedics and Related Research, 214, trang 160 – 164.
  9. Lương Thị Dung (2014). Đánh giá tác dụng điều trị viêm quanh khớp vai thể đơn thuần bằng bài thuốc Quyên tý thang kết hợp điện châm và vận động trị liệu, Luận văn thạc sĩ y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
  10. Nghiêm Thị Minh Thảo (2018). Đánh giá tác dụng của liệu pháp Kinh Cân trong điều trị viêm quanh khớp vai đơn thuần, Luận văn thạc sĩ y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
  11. Nguyễn Tài Thu (2012). Châm Cứu chữa bệnh, Nhà xuất bản từ điển bách khoa, trang 12 – 38.

Tạp chi YHTH số 1113 tháng 10.2019