Ngành Y tế TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo sơ kết các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế tại TP.HCM giai đoạn 2023-2024, phù hợp với chủ đề Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (WMHD – World Mental Health Day) năm nay: ”Ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc”

16/10/2024, 08:57

Hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần (SKTT) cho nhân viên y tế (NVYT) tại TP.HCM giai đoạn 2023-2024 đã có nhiều kết quả tích cực với các chiến dịch truyền thông giáo dục về sức khoẻ tâm thần; vẽ bản đồ dịch vụ hỗ trợ tâm lý và sức khỏe tâm thần và từng bước hình thành mạng lưới chăm sóc SKTT tại các cơ sở y tế.

Ảnh: Đại biểu tham dự Hội thảo sơ kết các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế tại TP.HCM.

Sáng ngày 11/10/2024, Sở Y tế TP. HCM,  Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố phối hợp cùng USAID và dự án EpiC của Tổ chức FHI 360 đã tổ chức Hội thảo sơ kết các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế tại TP.HCM giai đoạng 2023-2024.  Hội thảo có sự tham dự của Bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM; TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế; đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Tổ chức FHI 360, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) và hơn 80 đại biểu đến từ các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố;

Ảnh: TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế phát biểu khai mạc Hội thảo sơ kết các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế tại TP.HCM.

 Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, phó giám đốc Sở Y tế đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần đối với nhân viên y tế. Từ đầu năm 2023, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 385/KH-SYT về việc tổ chức hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho NVYT. Và đến ngày 16/8/2023, Sở y tế phối hợp với Tổ chức FHI thông qua dự án EpiC tại Việt Nam ký biên bản ghi nhớ để cùng phối hợp triển khai những hoạt động chăm sóc SKTT cho NVYT.

Sau một năm triển khai, nhiều hoạt động đã đạt được những kết quả cụ thể bao gồm:

– Hơn 50 lãnh đạo tham gia tập huấn chăm sóc sức khỏe tâm thần cho lãnh đạo ngành y tế nhằm xây dựng giải pháp và môi trường làm việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho NVYT;

– 02 phòng chăm sóc tâm thể được hoàn thiện tại Bệnh viện Bình Chánh và Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp như là một mô hình chuẩn để các CSYT tham khảo thành lập;

– Hoàn thành đợt khảo sát về kiến thức, thái độ, hành vi của NVYT về các vần đề liên quan đến chăm sóc SKTT;

– Tạo được bản đồ dịch vụ hỗ trợ tâm lý và sức khỏe tâm thần;

– Xây dựng các tài liệu đào tạo, huấn luyện cho cán bộ nồng cốt; Triển khai chiến dịch TT-GDSK về SKTT cho NVYT với các thông điệp xuyên suốt, cùng các sản phẩm truyền thông như: video clip, bộ thẻ Tâm An, tờ rơi; Biên soạn sổ tay chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế;

– Bước đầu thiết lập mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Cũng tại hội thảo, Bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM cho biết: Đại dịch COVID-19 vừa qua đã khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về sức khỏe tâm thần. Bà Susan cũng nhấn mạnh nhân viên y tế đôi khi lại quên đi sức khoẻ của chính mình. Nội dung chăm sóc SKTT cho NVYT phù hợp với chủ đề ngày sức khỏe tâm thần thế giới năm nay đó là:”Ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc”.

Hội thảo cũng đã trình bày kết quả trong khảo sát về thực trạng sức khỏe tâm thần ở nhân viên y tế tại TP.HCM, cụ thể: gần 20% có nguy cơ trầm cảm; 22,8% có lo âu và 14,2% có căng thẳng từ mức độ trung bình đến rất cao cần can thiệp và hỗ trợ; NVYT làm việc tại cơ sở y tế tuyến quận/huyện có nguy cơ trầm cảm cao hơn so với các nhóm làm việc tại cơ sở y tế cấp thành phố, tư nhân và trường đại học; NVYT làm việc tại các CSYT công lập có nguy cơ trầm cảm, lo âu, và căng thẳng cao hơn so với NVYT làm việc tại CSYT tư nhân.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi từ các đơn vị như Bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện Bình Dân, bệnh viện huyện Bình Chánh…

Bác sĩ Nguyễn Thái Thanh Phong – Bệnh viện Quận 1 chia sẻ, nhiều NVYT không nhận thức rõ về vấn đề SKTT, ngại chia sẻ công khai cũng như gặp các rào cản về kỳ thị. Để giải quyết vấn đề này, hiện tại bệnh viện quận 1 đang khuyến khích NVYT chia sẻ ẩn danh. Việc đa dạng hóa thành phần tham gia mạng lưới chăm sóc SKTT, bao gồm các chức danh và khoa phòng khác nhau, cũng là một giải pháp giúp nhân viên thoải mái hơn khi chia sẻ. Trong khi đó, theo BSCK2 Phạm Đăng Trọng Tường, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu, lãnh đạo cần tạo môi trường làm việc cởi mở và thân thiện để NVYT có thể bày tỏ các vấn đề của mình. Việc duy trì và phát triển mạng lưới chăm sóc SKTT đòi hỏi sự cam kết lớn từ lãnh đạo và sự tham gia tích cực của tất cả mọi người.

Hội thảo nhất trí kết luận chăm sóc SKTT cho NVYT phải là hoạt động thường xuyên, liên tục, quan trọng không kém chăm sóc sức khỏe thể chất. Các cơ sở y tế cần tiếp tục triển khai thực hiện khuyến cáo tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần cho NVYT do SYT ban hành; thiết lập Mạng lưới chăm sóc SKTT tại cơ sở. Đồng thời, Ngành Y tế sẽ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ nồng cốt; hình thành hệ thống cấp cứu trầm cảm cho NVYT; triển khai chiến dịch truyền thông; chia sẻ các sáng kiến về chăm sóc SKTT cho NVYT; tiếp tục vận động các nguồn lực để triển khai thêm các hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần hỗ trợ cho công tác chăm sóc SKTT tại các đơn vị.

 (Nguồn: Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh, https://medinet.hochiminhcity.gov.vn)